Cầu lông là môn thể thao rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Rất nhiều người nắm vững kỹ thuật đánh cầu lông nhưng chưa hẳn đã biết rõ về kích thước sân cầu lông đánh đơn và đôi tiêu chuẩn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nội dung này bên dưới bài viết.
Xem thêm:
Chiều cao lưới cầu lông đúng chuẩn quốc tế
Luật cầu lông đôi và đơn mới nhất 2022
Giới thiệu về sân cầu lông
Để hiểu rõ về sân thi đấu cầu lông, bạn sẽ cần phải nắm được sơ đồ và các đường kẻ tiêu chuẩn theo quy định của BWF.
Sơ đồ sân cầu lông
Cụ thể, theo quy định của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF), sân cầu lông có hình chữ nhật, được ngăn đôi bởi một tấm lưới ở giữa sân. 2 nội dung thi đấu chính của môn cầu lông là đánh đơn và đánh đôi đều có quy định kích thước về chiều dài sân giống nhau. Vì vậy, người ta thường kẻ vạch cho cả 2 nội dung trong cùng một sân thi đấu.
Sân thi đấu cầu lông sẽ bao gồm các khu vực đứng giao cầu, khu vực cầu rơi hợp lệ, khu vực sân chơi sau khi trả giao cầu được xác định bởi các đường kẻ (xem phần tiếp theo bài viết).
Các đường kẻ tiêu chuẩn sân cầu lông
- Biên phát cầu sau đấu đơn: Đây là đường kẻ dưới cùng của sân thi đấu cầu lông, tương ứng với chiều rộng của sân.
- Biên phát cầu sau đấu đôi: Đây là đường kẻ nằm song song với biên phát cầu sau đấu đơn.
- Vạch kẻ giữa: Vuông góc với lưới, có nhiệm vụ chia đôi sân thi đấu theo chiều dọc nhằm xác định khu vực tính điểm giới hạn phát cầu cho cả nội dung đánh đơn và đôi.
- Biên tính điểm đôi: Đường kẻ nằm ở ngoài cùng, là giới hạn của sân thi đấu đôi.
- Biên tính điểm đơn: Nằm song song với biên tính điểm đôi, là giới hạn của sân thi đấu đơn.
- Biên phát cầu trên: Còn được gọi là vạch giao cầu ngắn, nằm cách lưới 2m.
Kích thước sân cầu lông chuẩn quốc tế
Sân cầu lông phải có kích thước tiêu chuẩn để đảm bảo tính công bằng giúp các VĐV hình thành phản xạ trong lúc tập luyện và thi đấu. Các tuyển thủ hàng đầu sẽ dễ dàng xác định được vị trí của bản thân trong lúc phòng thủ và tấn công trên sân thông qua “cảm giác chân” chứ không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào quan sát thông thường.
Kích thước sân cầu lông đánh đơn
- Chiều dài sân cầu lông đánh đơn: 13.40m
- Chiều rộng sân cầu lông đánh đơn: 5.18m
- Độ dài đường chéo sân cầu lông đánh đơn: 14.30m
Kích thước sân cầu lông đánh đôi
- Chiều dài sân cầu lông đánh đôi: 13.40m
- Chiều rộng sân cầu lông đánh đôi: 6.1m
- Độ dài đường chéo sân: 14.70m
Quy tắc thiết kế sân cầu lông
Ngoài các quy định về chiều dài và chiều rộng, sân cầu lông còn được thiết kế để đảm bảo các quy tắc sau:
- Chiều cao lưới: Cột lưới cao 1.55m, cột phải đủ chắc chắn để mặt lưới có độ căng. Chiều cao ở trung tâm lưới phải đạt 1.524m. Cột lưới nằm ở đường biên tính điểm đôi, giữa lưới và cột không có khoảng trống.
- Lưới phải có màu đậm, dễ quan sát, được làm bằng nilon hoặc sợi tổng hợp. Mắt lưới phải nằm trong khoảng từ 1.5 đến 2cm, độ dày đều nhau. Lưới tiêu chuẩn rộng 76cm, dài 6.7m.
- Đường biên sân cầu lông có độ dày 4cm, phải rõ nét, được sơn màu vàng hoặc trắng.
- Chiều cao trên không của sân cầu lông phải đạt tối thiểu 9m, xung quanh sân không có vật cản.
- Khoảng cách giữa các sân cầu lông trong nhà thi đấu phải từ 2m trở lên.
- Sân cầu lông phải được thiết kế kín gió, đảm bảo điều kiện thi đấu tốt nhất cho các VĐV.
Mẹo kẻ sân cầu lông thi đấu tại nhà
Phong trào cầu lông ở Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, không ít người đam mê cầu lông mong muốn có một sân thi đấu ngay tại nhà mình. Hãy tham khảo hướng dẫn dưới đây để có được trải nghiệm cùng sở thích của mình ngay trong sân nhà.
Dụng cụ cần chuẩn bị:
- Thước dây dài 30m.
- Băng dính dán nền sân.
- Chổi quét sơn (con lăn loại nhỏ).
- Sơn hoặc vôi nước, vôi bột.
Các bước vẽ sân cầu lông thi đấu tại nhà:
- Bước 1: Chọn mặt sân:
Đây là bước đặc biệt quan trọng, không phải gia đình nào cũng có đủ không gian để làm sân thi đấu cầu lông. Tuy nhiên, sân không nhất thiết phải nằm trên nền bê tông. Nếu điều kiện không cho phép, bạn cũng có thể lựa chọn một bãi đất trống để kẻ sân thi đấu cầu lông. Mặt sân phải bằng phẳng, không gồ ghề, loại bỏ các vật cản ở trên cao.
- Bước 2: Đo đạc và kẻ sân:
Bạn sử dụng thước dây để đo đạc, đánh dấu các vị trí trên sân theo sơ đồ cấu trúc và kích thước đã nêu ở phần trên của bài viết. Dùng băng dính mặt sân tạo khung cho các đường kẻ sân. Sau đó kẻ vạch bằng sơn hoặc vôi nước với sân bê tông, dùng vôi bột với sân đất.
- Bước 3: Hoàn thành:
Sau khi sơn khô, bạn tháo bỏ băng dính, sắp xếp cột lưới và căng lưới là đã hoàn thành một sân thi đấu cầu lông tại nhà hoàn chỉnh.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức chúng tôi cung cấp về sơ đồ, kích thước sân thi đấu cầu lông theo chuẩn quốc tế, cũng như mẹo kẻ sân thi đấu cầu lông tại nhà. Hi vọng bài viết sẽ giúp người đọc có thêm kiến thức về thiết kế sân thi đấu cầu lông nói riêng và môn cầu lông nói chung.